Đánh giá về Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức | Thư viện
Xem nhanh
Sách
Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức
Giáo hội chúng ta chủ trương cấm túc An cư, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học. Nhưng cấm túc An cư, trau dồi giới đức và siêng tu tam vô lậu học như thế nào để đạt kết quả tốt mới là việc quan trọng. Thật vậy, hàng năm ở nơi nào cũng cấm túc An cư, nhưng số người chứng được tam vô lậu học không thấy có, hay có mà chưa nhiều, những người đức hạnh trên cuộc đời đáng làm gương cho Tăng Ni còn quá ít. Vì vậy, chúng ta phải thực tu, thực học để có được thành quả như khẩu hiệu của Giáo hội đề ra.
Ba tháng cấm túc An cư thì giới hạn việc đi lại. Đệ tử xuất gia của Phật xưa kia không ở lâu một chỗ nào, thậm chí không ăn cơm một nhà quá hai lần, không ở một gốc cây quá hai đêm. Nghĩa là trên bước đường du hóa, hành giả cứ đi, đi mãi. Sau khi Đức Phật thành đạo, chuyển pháp luân, Ngài có khuynh hướng đi giáo hóa như vậy và Ngài dạy chúng Tăng cách thực hành hạnh đầu đà như vậy. Hạnh đầu đà là một hạnh rất khó làm. Đức Phật là người thể hiện sâu sắc hạnh này. Chỉ có Phật và các vị Thánh La hán đi hoài đi mãi được, những người chưa đắc quả còn không đi theo nổi, huống chi là phàm phu. Chúng ta phải biết việc cấm túc An cư dành cho hàng phàm phu chưa đắc đạo. Số người theo Phật đông, nhưng người đắc đạo ít, nên Phật vì những người không đắc đạo mà Ngài dừng chân. Đầu tiên, Ngài dừng chân ở Lộc Uyển để độ năm anh em Kiều Trần Như và khi năm vị này đắc đạo rồi thì Phật và họ mới vân du giáo hóa. Năm anh em Kiều Trần Như cộng với một ngàn người tu đạo thần rắn của ba anh em Ca Diếp, hai trăm đồ chúng của Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và năm mươi thanh niên của trưởng giả Da Xá. Tổng cộng 1250 vị thường tùy với Đức Phật đi hóa độ không ngừng nghỉ; vì họ đã trải qua quá trình tu luyện được sức khỏe tốt, chịu đựng được bốn việc đói khát, nóng lạnh. Họ không ăn vài ngày cũng không sao, hoặc đi trong giá rét mùa Đông hay dãi nắng dầm mưa nắng cũng bình thường. Họ là những người đã đạt được lý tưởng và có đời sống tâm linh thực sự. Tôi đã thể nghiệm và nhận ra rằng tuy thân chưa đắc đạo, nhưng ý chí của chúng ta vượt lên được thì không bị việc ăn uống ngủ nghỉ bình thường khuấy động. Thí dụ lúc tôi đang đọc sách hay tham Thiền, tiếp nhận được Thiền duyệt thực và Pháp hỷ thực là những thức ăn tinh thần để nuôi lớn Thánh trí. Lúc đó tôi không thích ăn và cũng không thấy đói, nhưng thấy vui, mà đi ăn thì cảm thấy bị mất mát nhiều hơn. Thật vậy, đang suy nghĩ vấn đề gì trong kinh điển sắp vỡ ra, hay đang thực hiện được pháp vô vi nào, nhưng dừng lại để ăn thì những ý tưởng mình suy tư bị biến mất, thực uổng. Người có đời sống tâm linh dễ nhận ra điều này. Cứ đến giờ thì ăn, ngủ và chỉ sống như vậy là phường giá áo túi cơm. Chúng ta phát túc siêu phương là người có tâm hồn lớn vượt trên chuyện cơm áo. Tôi thành đạt nhờ lập chí tu hành, nhường áo cơm cho người, phải làm việc khác hơn. Bước đầu tôi cố gắng đọc và hiểu lời Phật dạy, đó là lý tưởng sống của tôi. Người xuất gia tu hành nếu có ý chí thì hạ quyết tâm thấu rõ tinh ba Phật pháp, không quan tâm đến ăn uống. Điển hình cho tinh thần quyết tâm cao độ là ngài A Nâu Lâu Đà nỗ lực tham Thiền đến đắc đạo thì mắt mù. Ngài mù mắt nhưng tâm sáng vẫn quý hơn là người mắt sáng mà tâm mù có quá nhiều trên đời. Còn mắt mù mà tâm sáng thì đời nay, tôi thấy chỉ có Hòa thượng Sato, một vị Thiền sư nổi tiếng của Nhật Bản. Hạ quyết tâm tu, làm việc gì đó vượt trên vật chất đến mức độ thân bị hư hoại mà không hay. Lịch sử ghi nhận rằng Huệ Tư Thiền sư say mê Thiền định, có thể nhập định hai mươi mốt ngày hay nhập định đến bao giờ đạt mục tiêu mới xả định. Ngài nhập định suy nghĩ về nhứt tâm tam quán, vì ý chí cao quá, nên chân bị liệt, ngài vẫn không hay biết. Nhập định, nhưng điều thân không kỹ, thì một mạch máu dẫn đến phần nào trong cơ thể bị tắt nghẽn, phần thân đó sẽ bị hoại.
Trên bước đường tu, chúng ta sống với pháp hay Thiền để nuôi sống thân vật chất và tâm linh, nhưng đắc đạo thì thân không còn lành mạnh. Trái lại, nếu tu hành còn kẹt chuyện áo cơm, chúng ta là người phàm muôn đời, không ra khỏi sanh tử luân hồi. Phải có chí xung thiên, quyết tâm cao để vượt qua được ranh giới phàm phu mà bước vào dòng Thánh. Tu hành hơn nhau là ở điểm đó. Vào được dòng Thánh thì sẽ có trạng thái tâm lý và vật lý khác với người thường. Trạng thái tâm lý của họ không còn tham, sân, si, nghĩa là kiến hoặc đoạn hết. Đoạn sạch kiến hoặc thì mọi việc không còn tác động, chi phối chúng ta. Còn hở một chút là giận, buồn, không ngủ được, thì chẳng những ở lại thế giới phàm phu, mà còn đi xuống và hoàn cảnh sẽ luôn luôn bất như ý. Tôi thấy nhiều người rơi vô trường hợp này, nên lấy đó để khuyên nhắc đại chúng. Nhiều người bạn mà tôi rất kính vì thấy họ quyết tâm tu, ngồi Thiền hai, ba ngày, nhưng chưa đắc đạo và tuột dốc đến tệ lần thì đối với họ, mọi việc không có gì bằng lòng được. Theo tôi, họ đã đọa Vô gián địa ngục ngay khi còn sống. Chưa tu, có cái không bằng lòng, nhưng cũng có việc chấp nhận được. Nhưng tu rồi, muốn nâng chúng ta lên cao thì phải vào được dòng Thánh, nghĩa là cuộc đời phải hoàn toàn tốt đẹp, cái gì tới cũng tốt, người nào đến cũng tốt; nói cách khác, ta đã vượt ra ngoài sự tranh chấp của chúng sanh. Phải ráng vào được dòng Thánh và được vào rồi thì thuận nghịch xảy đến đều thành duyên đối với ta. Thuận là duyên, tức ta cần người giỏi tốt thì người giỏi tốt đến hợp tác, ta cần tiền thì có tiền. Nghịch cũng là duyên với Thánh nhân, nhưng phàm phu gặp nghịch cảnh, phiền não nhứt định phát sanh. Người đến giúp hay chống phá, ta cũng nương theo đó phát triển đạo. Người chống phá cũng là đạo, vì nhờ họ chúng ta mới có điều kiện phát huy đạo đức và còn được người thương mà giúp đỡ ta gấp đôi. Càng có người chống thì càng có người quan tâm đến ta và binh vực, không có người chống thì không ai binh; đó là điều kỳ diệu của người tu Pháp Hoa nếu vào được dòng Thánh. Nếu chúng ta chống phá lại thì sẽ gặp khó khăn hơn và bị đọa. Khi đọa rồi, không có gì vừa ý ta, cho đến việc nhỏ nhất cũng không được, chẳng hạn như tìm cốc, am để tu thì họ cũng tìm cách gây sự. Nhưng nếu chúng ta chỉ lo tu hành, bỏ hết mọi việc hơn thua phải trái, những điều tốt tự động tìm đến. Còn có ý nghĩ nhỏ về vật chất, sẽ có người giành, còn nghĩ đến thân mạng cũng có người hại. Phải vượt khỏi mười triền cái. Trong Thập triền, có một triền cái quan trọng là còn chấp thân ta thì còn bị ma oán sai sử. Hòa thượng Quảng Đức đã phủi sạch tư tưởng chấp vào thân này; nên đối với ngài, sống hay chết cũng vì đạo pháp. Hạ quyết tâm tu, chúng ta coi sống chết như nhau và thấy được cái chết, chúng ta nỗ lực tu nhiều hơn, sợ chết cận kề mà chưa làm được việc lợi ích. Tôi thường tâm niệm đường còn xa, việc còn nhiều, nên không có thì giờ để hơn thua. Thời gian gấp rút, tuổi đời chồng chất, sức khỏe kém lần, liệu có làm được hay không. Còn làm được, phải nỗ lực làm. Người tu quyết tâm làm đạo không tiếc thân mạng, thì bước qua bờ bên kia, ở bên này còn tranh chấp, phải trái.
Trở lại việc cấm túc An cư, chúng ta cần hiểu rằng vì những người ốm yếu, bệnh hoạn, chưa có khả năng, không đắc đạo, nên Phật cho họ dừng chân để dưỡng sức; không phải cấm túc An cư là việc khó khăn mà người có tài mới làm được. Tôi thuở nhỏ đã nghĩ sai rằng mình phát nguyện cấm túc An cư ba tháng là điều vĩ đại lắm, không làm như vậy thì không được gì. Từ khi nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, trong mùa An cư, ngày nào tôi cũng đi giảng dạy các trường hạ, mới nhận ra được ý mà sử ghi rằng sáu năm đầu, hay có sách ghi mười hai năm đầu, Phật không cấm túc An cư. Nhưng sau đó, có một lần đại chúng đi hành đạo, gặp mùa lũ lụt, các vị Thánh Tăng vẫn bình yên vô sự, còn phàm Tăng người mất y bát, người mất mạng, rên la thảm thiết. Chính lý do này mà Phật dừng chân để giúp đỡ người chưa đắc đạo. Người đắc đạo bất chấp mưa nắng gió sương và luôn mạnh khỏe. Phàm phu thì cảm nắng, kỵ mưa, trúng gió, không hạp mù sương, ăn uống không đủ cũng bệnh. Thương cho chúng nhiều nghiệp chướng, còn non kém, Phật mới dừng bước du hóa. Phật ở đâu thì đàn na tín thí đến đó cúng dường. Phật khuyên phải nỗ lực tu vì nương vào đức của Phật mà phát huy đức của mình dễ dàng. Không có Phật, không ai cúng dường. Người ta vì kính Phật mà trọng Tăng và Phật dùng phước báo của Ngài để nuôi dưỡng chư Tăng; đó là truyền thống Phật giáo. Phật đến Lộc Uyển, Ngài khất thực cho năm anh em Kiều Trần Như ăn, Ngài đắc đạo, không cần ăn. Ngài thường nhắc nhở rằng người phát tâm đi theo lộ trình giải thoát thì chỉ lo nỗ lực phát huy đức hạnh và tâm linh. Phật Niết bàn, Ngài chỉ đạo Hộ pháp, Long thiên ủng hộ chúng Tăng tu hành. Khắp nơi trên trái đất này, chưa có vị Tăng nào tu hành mà bị thiếu thốn vì đã có Hộ pháp lo lắng.
Mùa An cư, không phải lo ăn uống, tứ sự cúng dường có đầy đủ, chúng ta chỉ nỗ lực tu cho đắc đạo hay tu cho ra hồn. Đừng để rơi vô tình trạng Tăng không ra Tăng, tục không ra tục. Thúc liễm thân tâm là mục tiêu của người sơ hạ. Mới nhập hạ, thân tâm bị cột lại, thấy khó chịu, vì lúc trước, tâm thả chạy rong, thân tự do bay nhảy. Nhưng nay cột nó lại, tự nhiên phải có phản ứng. Vì thế người sơ hạ thường bị bệnh. Vận động về thân trong lúc kiết hạ tất nhiên khác với vận động của thân lúc ở bên ngoài. Thiền chủ cần thấy vận động về thân và tâm lý để điều tiết cho đại chúng được thân khỏe mạnh, tâm an vui. Nhìn mặt hay cách đối xử của chúng với nhau là biết ngay họ có tức tối, khó chịu, buồn phiền hay không.
Ta thúc liễm là điều chỉnh thân tâm, điều tiết vấn đề ăn ngủ và tập cho quen, trở thành nếp sống đạo của chính mình; không phải An cư ba tháng ăn ngủ, sinh hoạt theo Thiền quy, rồi sau hạ, thả cho thân tâm tự do, để sang năm An cư làm lại và hết An cư lại buông thả nữa. Nếu tu kiểu đó thì tu suốt đời cũng không được gì. Pháp gì chúng ta đạt được trên bước đường tu cố gắng giữ, đừng để mất. Riêng tôi, từ hạ đầu tiên đến nay, vấn đề ăn uống ngủ nghỉ theo Thiền quy không thay đổi, trong hạ hay ngoài hạ cũng thế. Trong hạ ăn một bát cơm, thức dậy ba giờ sáng thì ngoài hạ cũng ăn một bát cơm, thức ba giờ sáng.
Ngoài hạ, ăn uống ngủ nghỉ cũng như trong hạ là biết tu được bước đầu, điều chỉnh được thân tâm, nên thân tâm được tự tại; không phải trong hạ bị ràng buộc, ngoài hạ thả bung ra thì không được.
Ba tháng chúng ta thúc liễm được thân tâm, hiện ra giải thoát tướng và dùng tướng hảo này giáo hóa chúng sanh. Chúng ta ăn ít, nên không cần lao động nhiều, người đời vì miếng ăn mà hại nhau. Chúng ta ăn đơn giản, làm việc giỏi, cho họ thấy cuộc sống đẹp của người tu mà phát tâm tu theo, lần xây dựng nhân gian thiên quốc. Thấy người tu sống tự tại an vui như thế khiến họ thức tỉnh, nhận ra được cuộc sống không cần quá nhiều như tham vọng của họ. Trong hạ ta tập được pháp điều chỉnh ăn uống, ngủ nghỉ làm cho thân khỏe mạnh và ra hạ, sử dụng pháp này chỉ dạy người. Thúc liễm tâm thuần rồi thì đừng thả nó và dùng tâm tập trung để làm đạo, đối trước tất cả hoàn cảnh, dùng tâm tập trung để ứng phó sẽ trở thành vạn năng. Thật vậy, tập trung tư tưởng được rồi, nhìn vào xã hội, vào trời đất, thấy được cái thực mà ta hành đạo nên đạt được kết quả tốt đẹp. Trước kia, vì không tập trung được, bị phiền não ngăn che, nên khởi tham vọng mới đụng độ với người. Nhưng cột tâm được, nhìn thẳng từng người, thấy rõ khả năng và nghiệp chướng của họ thì tùy theo đó hướng dẫn. Xa hơn, tập trung tư tưởng để thấy rõ sự chuyển động trong trời đất như các vị Tổ sư thường coi thiên văn địa lý, ngày nay gọi là khoa học tự nhiên, phân ra bốn mùa tám tiết, mỗi mùa phải tu pháp gì cho thích hợp, sống thế nào cho khỏe mạnh. Nhờ đôi mắt sáng biết được hiện tượng trời đất sẽ hạn hán hay lụt lội, các ngài đưa ra cách phòng chống, cứu giúp đời.
Ngoài ra, người tu còn có cái thấy quan trọng do quán nhân duyên, tức thấy được xã hội. Không phải quán nhân duyên là đọc suông rằng vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, v.v… Ý chính Phật dạy là nhân duyên sanh ra tất cả pháp. Đối với tôi, ngày nay nhìn xã hội thấy nhân duyên giữa người và người, ta tùy theo đó mà giải quyết. Thiền sư ở đâu thì nơi đó được an lành, do thấy nhân duyên mà các ngài giải hòa được mọi việc, thấy người nào độ được, nơi nào nên tới. Người hung dữ, kỳ khôi, khó tánh, nhưng có nhân duyên với ta, ta vẫn độ được. Thấy người hiền lành, nhưng phải biết họ chỉ hiền với ai, ta đến coi chừng bị đuổi. Đức Phật trước khi khất thực, ngài quán nhân duyên xem hôm nay cần đi đâu, gặp ai. Tôi đi thăm trường hạ cũng cân nhắc nên đến điểm nào trước. Tôi đã chọn những đạo tràng có nhân duyên với tôi, nên khuyên nhủ họ nghe được, mặc dù lời ngay trái tai; nhưng không có nhân duyên thì nói đúng, họ cũng không nghe. Hành đạo, chúng ta quan sát, suy nghĩ nên đi đâu, gặp ai, nói gì và tại sao nói điều đó. Nhìn nhân duyên người ở đây tu gì, làm gì, chúng ta theo đó nhắc nhở. Tập trung tư tưởng quán nhân duyên là quán như vậy. Mỗi mùa An cư, tôi luôn nghĩ cần đi thăm chùa nào, đi nơi nào trước, nơi nào sau, là thấy nhân duyên để làm và đi đúng hay thuận duyên thì khó cũng thành dễ, đi sai hay nghịch duyên, dễ cũng thành khó.
Nhìn vào xã hội, trong mùa An cư kiết hạ, tôi chọn điểm đến thuyết pháp cúng dường để an ủi, khích lệ. Nếu ở đây, không ai thăm viếng cúng dường, sang năm các cô không đến đây An cư nữa. Đối với người chưa đắc đạo, cần có người khích lệ, an ủi mới lên tinh thần. Người đắc đạo có chí cao, không cần ai an ủi, vì họ có đời sống nội tâm riêng, không phải nương tựa ai, chỉ làm theo ý nguyện của họ. Thuở còn là Sa di, tôi thường lạy sám hối lúc mọi người ngủ, không cần ai an ủi, vì ta tu cho chính ta. Người khác cần an ủi mới tu, tu cực khổ mà không ai biết nên không muốn tu! Tôi thấy có Thầy Trụ trì phải dẫn bổn đạo đi thăm viếng cúng dường trường hạ có đệ tử của họ tu để đệ tử vui mới chịu tu. Còn người khác thấy bạn có bổn đạo đến thăm nom, cúng dường, mà mình không được Thầy bạn, hay người nào thăm thì buồn quá, tủi thân.
Đức Phật đã quy định mùa này chúng Tăng An cư và Hộ pháp Long thiên thừa lệnh của Phật mà ủng hộ người tu. Tôi tin chắc lời Phật dạy và thấy rõ kết quả không sai. Khi tôi chọn thăm các điểm An cư của tỉnh Tiền Giang, thì Phật tử tự động vui vẻ đi theo, tự phát tâm cúng dường; còn ngày thường thì chưa chắc họ đi. Có người muốn phát tâm thăm viếng cúng dường trường hạ, có đạo tràng An cư tu hành đúng pháp là có đủ duyên cho tôi đến đó cúng dường, giảng dạy. Những nơi không tu nghiêm túc, tôi không cho Phật tử theo, sợ họ thoái tâm. Ở thành phố có nơi đăng ký năm mươi vị An cư, nhưng khi đột xuất kiểm tra thì thấy chỉ có bốn, năm người đi quả đường. Tu hành nghiêm túc, người mới phát tâm, sai trái làm người thoái tâm. Tôi chọn những điểm đáng khích lệ và đưa Phật tử đến đó cúng dường để họ phát tâm và sanh ra công đức. Những điểm sai trái thì tôi đến một mình để chỉ dạy.
Ngoài việc thúc liễm thân tâm, chúng ta trau dồi giới đức. Giới ở bực thấp nhứt là thọ giới nào thì phải giữ giới đó. Tinh thần này được ngài Tối Trừng thể hiện rõ nét. Ngài thọ giới Tỳ kheo từ năm hai mươi tuổi và nổi tiếng là người trì giới nghiêm túc. Nhưng đến sáu mươi tuổi, ngài tuyên bố xả giới Tỳ kheo, vì giữ đúng giới bổn thì sẽ bị trở ngại cho việc hành đạo. Thí dụ chúng ta giữ đúng giới luật An cư, trong ba tháng không đi thuyết pháp được. Vì vậy, ngài không giữ giới Tỳ kheo, nhưng giữ giới Bồ tát. Và đối với mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của Bồ tát, ngài nói cũng không cần thiết. Ngài chỉ giữ một giới là Nhiêu ích hữu tình giới của Tam tụ giới. Thực hiện Nhiêu ích hữu tình giới, hành giả không nghĩ ác, không nghĩ thiện, chỉ nghĩ một việc là làm lợi ích cho số đông và không làm mất lòng người. Đó là giới tối thượng thừa của người tu Pháp Hoa, giới mà biến thành đức. Có đức thì được người kính trọng, nhưng tối thiểu người kính ta, thương ta, vì ta không làm mất lòng họ. Quý Ni sư ráng giữ điều này và những yêu cầu chính đáng, làm được thì sẵn lòng làm. Người hành Bồ tát đạo có lúc cần ẩn thân vì đối với những yêu cầu chính đáng nhưng không thể làm được, nói chi đến yêu cầu không chính đáng. Vì nghiệp cấu chúng sanh nặng, nên Phật pháp không hiện ra được, nhưng có yêu cầu chính đáng thì Phật pháp xuất hiện. Những việc lợi ích mà chúng sanh yêu cầu chính đáng, ta sẵn sàng phục vụ. Được như vậy là trau dồi giới đức chúng ta sáng sạch thêm. Tỉnh này thỉnh tôi thuyết pháp hai ba lần. Yêu cầu của quý vị chính đáng và việc giảng dạy là sở trường của tôi; vì thế, tôi đến đây khuyên răn, nhắc nhở để đại chúng tu hành cho đúng pháp.
Nếu ta giữ giới bổn kỹ, không được đi một mình ban đêm, nhưng có người cần ta cứu thì bị giới này ràng buộc, không làm được việc công đức. Vì mục tiêu cứu người là giữ Nhiêu ích hữu tình giới, giới Tối thượng thừa làm theo yêu cầu của người, vì lợi ích cho người. Giới Đại thừa không có giới bổn Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức Xoa, Sa di, chỉ có Thập thiện giới, Tam tụ tịnh giới và Kim cang giới là cao nhất, nghĩa là hy sinh tất cả những gì của ta để cứu giúp chúng sanh theo tinh thần vô ngã vị tha, giúp người vô điều kiện. Ai thực tu Kim cang giới, trau dồi Kim cang giới, chứng Kim cang giới, trở thành biểu tượng đáng tôn kính của trời người. Nếu cô nào tu giới này chỉ nghĩ cho đại chúng, còn khó khổ mình lãnh để giúp người an vui tu học. Hòa thượng Thiện Hòa dù làm Giám đốc Phật học đường Nam Việt, nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao, có lúc ngài quét sân, rửa cầu. Ngài chỉ lo phục vụ chúng Tăng, tạo điều kiện tốt cho người tu học, còn ngài sao cũng được. Ngài chính là người thể hiện Kim cang giới trong cuộc sống thực tiễn, biến giới thành đức, nên là bậc mô phạm đức hạnh nhất được mọi người tôn quý, kính mến từ xưa cho đến ngày nay.
Tôi mong Thiền đường đại chúng trong ba tháng An cư, nỗ lực trau dồi giới đức sáng sạch, làm an vui cho pháp lữ đồng tu, làm cho đàn na tín thí phát tâm Bồ đề và trở về trụ xứ, tiếp tục tỏa sáng giới đức cho sinh hoạt đạo pháp ở địa phương được hưng thạnh.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Tịnh Nghiêm, tỉnh Tiền Giang, ngày 27-5-2003)
Các câu hỏi về thúc liễm thân tâm là gì
Nếu có bắt kỳ câu hỏi thắc mắt nào vê thúc liễm thân tâm là gì hãy cho chúng mình biết nhé, mõi thắt mắt hay góp ý của các bạn sẽ giúp mình cải thiện hơn trong các bài sau nhé <3 Bài viết thúc liễm thân tâm là gì ! được mình và team xem xét cũng như tổng hợp từ nhiều nguồn. Nếu thấy bài viết thúc liễm thân tâm là gì Cực hay ! Hay thì hãy ủng hộ team Like hoặc share. Nếu thấy bài viết thúc liễm thân tâm là gì rât hay ! chưa hay, hoặc cần bổ sung. Bạn góp ý giúp mình nhé!!
Các Hình Ảnh Về thúc liễm thân tâm là gì
Các hình ảnh về thúc liễm thân tâm là gì đang được chúng mình Cập nhập. Nếu các bạn mong muốn đóng góp, Hãy gửi mail về hộp thư [email protected] Nếu có bất kỳ đóng góp hay liên hệ. Hãy Mail ngay cho tụi mình nhé
Tra cứu thông tin về thúc liễm thân tâm là gì tại WikiPedia
Bạn nên tra cứu thêm thông tin về thúc liễm thân tâm là gì từ web Wikipedia tiếng Việt.◄ Tham Gia Cộng Đồng Tại💝 Nguồn Tin tại: https://cctechvietnam.vn/hoi-dap/
💝 Xem Thêm Chủ Đề Liên Quan tại : https://cctechvietnam.vn/hoi-dap/